Nên "dạy" chồng từ ngay khi cưới và đừng coi hy sinh là phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ.
Hy sinh tạo nên khoảng cách hôn nhân
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa, nhiều cô gái trẻ ngày nay còn rất ngây thơ, khờ dại khi nói rằng, “hy sinh cho chồng con chứ cho ai mà sợ thiệt”. Khi họ yêu chồng, chiều chồng, họ chỉ có một ước muốn là mang lại hạnh phúc cho chồng con. Họ không biết rằng, cứ như vậy là họ đang cưng chiều một thói hư hưởng thụ, tính ích kỷ của chồng con. “Khi người phụ nữ nói câu đó là vì họ không lường được hậu quả rằng, sau 10 - 15 năm hy sinh như thế, chính họ sẽ tạo nên một khoảng cách về sự tiến bộ giữa hai vợ chồng. Phụ nữ sẽ bị tụt lại đằng sau chồng một khoảng cách rất xa cả về hình thức, tiền bạc, sự thành đạt và cả trí tuệ, tâm hồn…”, ông Trịnh Trung Hòa nói.
Phụ nữ bị tụt hậu so với chồng là bởi, trong khi họ tất bật với hàng trăm thứ việc không tên cho gia đình, không có thời gian đọc một quyển sách, xem một bộ phim thì chồng họ có thời gian đọc sách báo, ngâm thơ, bia bọt, giao du với những người tài giỏi…Trong khi người vợ ngập trong công việc gia đình thì người chồng quần áo thơm tho, tiền bạc rủng rỉnh, công việc thăng tiến…Để đến nỗi, khi lấy nhau cả hai cùng tốt nghiệp đại học, cùng vị trí công việc như nhau thì sau 15 năm, người vợ dẫm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi, còn người chồng thì cứ thế mà thăng tiến. Rồi mức thu nhập của người vợ cũng kém nhiều so với chồng. Thu nhập tụt thảm hại với chồng đến mức có ông chồng còn bảo: “Thôi nghỉ việc đi, lương của cô không bằng tôi làm rốn!”.
Trong khi anh chồng có thì giờ làm ra tiền, quần áo comple chỉnh tề, lái ô tô vè vè, nước hoa thơm lừng thì bà vợ quần áo, đầu tóc lúc nào cũng ám mùi thức ăn. Vì không có thời gian đọc sách báo, xem ti vi, không đi học thêm, không giao lưu bạn bè…nên lúc này người vợ trở thành một bà vợ hết sức lạc hậu trong mắt chồng. Người chồng nói chuyện với vợ cứ như nói chuyện với một người không có hiểu biết.
Lúc này tình yêu không có sự giao lưu về trí tuệ, chỉ còn lại trách nhiệm và bổn phận. Tình yêu mà không có sự giao lưu về trí tuệ, về tâm hồn thì tình yêu đương nhiên sẽ lụi tàn. Trong khi đó người chồng lại sẵn có thời gian, có tiền bạc, có vị thế, có người say mê…và thế là anh ta đi tìm người bạn tâm giao với mình ngoài hôn nhân. Đó là một cô gái hiểu biết, tinh tế, nói chuyện hòa hợp, hiểu những điều anh ta nói, đồng cảm với những nước mơ hoài bão của anh ta. Lúc này, cái gọi là đức tính cao quý của phụ nữ trong gia đình đã quay sang làm hại họ.
Thay đổi chồng phải từ đầu
Muốn không rơi vào cái bẫy của sự hy sinh, để rồi một ngày lại phàn nàn kêu ca là bất bình đẳng, theo nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, ngay từ trước khi lấy nhau, phụ nữ phải xác định rõ, phải thay đổi “thói quen” cố hữu của chồng bằng cách thỏa thuận phân chia rõ trách nhiệm của vợ và chồng trong gia đình - đó là trách nhiệm về tài chính, công việc gia đình, sự tôn trọng lẫn nhau…
“Chị em cần đặt vấn đề một cách rõ ràng khi hai người sắp tiến tới hôn nhân hoặc khi vừa cưới nhau. Không nên để muộn vì sau 10 – 15 năm rồi thì việc cải tạo hay thay đổi những điều này là vô cùng khó khăn. Bởi sau 10 – 15 năm chung sống, người vợ mới đòi hỏi, mới bắt chồng làm việc nhà cũng như việc bắt ông già 70 học đàn violon vậy. Muốn thay đổi phải thay đổi ngay từ đầu, trước hoặc chậm nhất là từ khi mới trở thành vợ chồng.
Ví dụ, riêng về công việc nhà, hãy lấy một tờ giấy kê khai tất cả những việc lặt vặt trong nhà. Thông thường có khoảng 20 việc nhà chẳng hạn, chị em hãy viết ra giấy rồi dán lên tường, xong rồi nói với chồng: “Có từng này việc nhà, anh là đàn ông, em ưu tiên cho anh lựa chọn. Anh xem việc nào anh có thể làm được thì nhận…”.
Nếu chồng bảo chưa bao giờ làm thì hãy nói với chồng rằng: “Giờ hai ta là một gia đình, anh đi làm em cũng đi làm, em cũng chỉ hai tay hai chân giống anh. Nếu anh không làm thì bằng từng đó việc em làm kiểu gì!”. Lúc này, nếu chồng bảo “Những việc này vợ người ta toàn làm hết” thì hãy rắn rỏi lên nói thẳng “Đó là vợ người ta, còn em thì không làm được. Nếu anh không đồng ý thì hãy đi lấy những mẫu phụ nữ như vậy về làm vợ. Giờ vẫn chưa muộn!”, ông Trịnh Trung Hòa tư vấn.
Cũng theo nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, ông đã từng thấy ở Mỹ bán đầy những tờ giấy cứng liệt kê danh sách công việc gia đình. Các cặp vợ chồng ở Mỹ khi lấy nhau về, họ thường mua những tờ giấy bán sẵn này mang về nhà, dán sẵn lên tường rồi hai vợ chồng căn cứ vào đó để thỏa thuận phân chia công việc cho nhau. Tờ giấy đó được làm sẵn như tờ hồ sơ xin việc ở Việt Nam. Có lẽ nhờ vậy mà ở nước họ không có chuyện cãi nhau, không có chuyện hy sinh và bất bình đẳng như ở Việt Nam.
“Nhiều người bảo cô này may mắn lấy được người chồng chỉn chu quan tâm đến vợ, cô kia vô phúc lấy phải ông chồng lười nhác, ích kỷ…Theo tôi điều đó không đúng. Trên thực tế người chồng chỉ là miếng bột, họ ra hình thù thế nào là do bàn tay chế tác của phụ nữ nặn ra. Bởi trên thực tế không có sẵn người chồng tuyệt vời như phụ nữ vẫn tưởng tượng lâu nay”, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.
Không người đàn ông nào muốn vợ khổ
“Đã từ lâu, tư tưởng hy sinh cho gia đình đã được gắn “huy chương vàng” lên người phụ nữ và người ta mặc nhiên coi đó là phẩm chất cao quý mà chỉ người phụ nữ Á Đông mới có được. Để đạt được phẩm hạnh đó, phụ nữ đã phải gồng mình, đôi khi phải đánh đổi cả sự nghiệp, cả niềm vui lẫn sức khỏe để đạt được nó. Khi cố gắng đạt một điều gì đó quá sức mình, chính họ sẽ tự đi vào ngõ cụt. Sự cố gắng một cách thái quá đó đã vô tình tạo nên sự bất hạnh ngay trong chính ngôi nhà của mình, cho chồng con mình và cho cả bản thân mình.
Vấn đề là không phải người chồng nào cũng thích được vợ hy sinh như vậy. Tâm lý của đàn ông bao giờ cũng coi trọng danh lên trên hết. Bản thân họ khi lấy vợ bao giờ cũng muốn được vợ hạnh phúc, sung sướng. Bởi đó chính là danh dự và niềm tự hào của họ. Không một người đàn ông nào muốn vợ mình đau khổ, bất hạnh, lem luốc, xấu xí. Nhưng để làm cho người phụ nữ của mình hạnh phúc lại là một việc không hề đơn giản. Điều đó cũng khó như việc phụ nữ cố gắng mang lại hạnh phúc cho chồng mình vậy. Bởi bản chất hạnh phúc chỉ có thể có được khi tự thân mỗi người biết sống có ý nghĩa.
Việc người đàn ông không làm công việc gia đình là bởi họ đã quen được giáo dục như thế từ khi còn nhỏ. Đó thực chất là một thói quen. Do vậy nếu muốn thay đổi thói quen đó ở đàn ông thì chẳng có ai ngoài người vợ có thể làm được điều đó.
Với sự hy sinh của phụ nữ cho gia đình, sự hy sinh đó chỉ mang ý nghĩa khi nó mang lại điều tốt đẹp cho người khác. Trong trường hợp phụ nữ càng hy sinh, người đàn ông càng trở nên ích kỷ thì sự hy sinh đó là hoàn toàn vô nghĩa. Khi người phụ nữ cam chịu, chấp nhận chịu thiệt đi một chút rồi cứ thế làm lụng mà không biết rằng điều đó đã hình thành nên một thói quen xấu không chỉ ở người chồng mà còn với cả con trai của mình. Sự hy sinh một cách vô điều kiện như vậy khiến cho những người đàn ông trong gia đình không có cơ hội để thực hiện bổn phận và trách nhiệm của mình.
Đôi khi phải đấu tranh một chút, phải cãi cọ một chút nhưng lấy lại được sự công bằng hợp lý thì vẫn nên làm. Bởi hạnh phúc phải từ sự cố gắng của cả hai phía. Ngọn lửa phải cả hai cùng nhóm, gia đình phải cả hai cùng có trách nhiệm. Nếu người chồng vụng về không có ý thức trách nhiệm thì mình sẽ khéo léo giúp chồng nhận ra điều đó”.
Chia sẻ của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Lê (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống)
Theo nld.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét