Một nữ sinh viên 21 tuổi đã chết ở Anh sau khi uống loại thuốc giảm cân mà cô mua trên mạng. Liệu đây có phải là lời cảnh tỉnh?
Danh sách tử vong không ngừng tăng lên
2 tuần trước, Eloise Aimee Parry, một nữ sinh viên 21 tuổi đã qua đời sau khi uống loại thuốc giảm cân lic được mua qua mạng. Thuốc có chứa một chất rất độc là dinitrophenol hay DNP, đã được biết là góp phần gây ra nhiều trường hợp tử vong khác khi dùng để giảm cân.
Mẹ của Eloise cho biết cô đã mua thuốc và thậm chí uống nhiều hơn liều khuyến nghị trên vỏ bao và không hề có ý tưởng gì về mức độ nguy hiểm của loại “thuốc” này.
“Con bé không bao giờ định mạo hiểm với mạng sống của mình. Chỉ là nó không hiểu về mức độ nguy hiểm của thứ thuốc đó. Phần lớn chúng ta thường không tin rằng thuốc giảm cân có thể gây chết người”.
DNP được ví với TNT về cấu trúc. TNT là một loại thuốc nổ. DNP khiến trao đổi chất phi mã đến mức nổ tung, với hậu quả là cái chết.
Năm 2013, Sarah Houston, một sinh viên y 23 tuổi, đã chết sau khi uống một phối hợp thuốc chống trầm cảm và DNP mà cô mua trên mạng. Một sinh viên 18 tuổi khác và là vận động viên thể hình, Sarmad Alladin, cũng qua đời trong năm đó sau khi uống DNP. Danh sách nạn nhân còn có cầu thủ bóng bầu dục 18 tuổi Chris Mapletoft.
Không được chứng minh an toàn
Những loại “thuốc” giảm cân có tác dụng đốt cháy mỡ nhờ đẩy nhanh tốc độc chuyển hóa có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như sốt, mất nước, nôn, buồn nôn, bồn chồn, bốc hỏa, ra nhiều mồ hôi, choáng váng, nhịp tim nhanh bất thường, thở nhanh và tử vong.
Năm 1933, DNP được coi là thuốc giảm cân nhưng đã nhanh chóng bị thu hồi khỏi thị trường Mỹ sau khi có báo cáo về tác dụng phụ và một số ca tử vong.
Nhưng DNP không phải là “thuốc” đốt cháy mỡ duy nhất được bán tràn lan trên mạng. Những chất khác cũng có tác dụng tương tự là ephedrine, caffein liều cao, capsaicin (có trong ớt cay) và các a xít amin là L-carnitine và L-tyrosine.
Không có chất nào trong số này được chứng minh là có tác dụng hoặc thực sự được kiểm nghiệm về độ an toàn.
Những sản phẩm này không được gọi là thuốc và do đó không chịu sự quản lý của Cục quản lý thuốc và sản phẩm y tế. Và chừng nào chúng không được quảng cáo với lời hứa giảm cân, thì việc bán chúng vẫn là hợp pháp.
Ngừng thuốc là tăng cân
Rraspberry ketone là một chế phẩm bổ sung “thiên nhiên” chứa caffein liều cực kỳ cao và được bán ở các cửa hàng. Năm ngoái, cô gái Cara Reynolds, 24 tuổi, đã chết sau khi uống quá liều loại “thuốc” này.
Rebecca Edwards, 30 tuổi, trong suốt năm ngoài đã uống Xenical – một thuốc kê đơn chứa Orlistat – nhưng giờ đang muốn chuyển sang raspberry ketone. Orlistat đã giúp cô giảm từ size 14 xuống 10, nhưng ngay khi ngừng dùng thuốc thì cân nặng lại tăng trở lại. Cô cũng vất vả chống chọi với các tác dụng phụ, bao gồm tiêu chảy.
Đó là lý do vì sao Rebecca tìm mua raspberry ketone trên mạng.
“Tôi đã tìm hiểu về tác dụng phụ, nhưng có những lúc bạn quá chán nản với thân hình của mình và sẽ thử dùng bất cứ thứ gì. Tôi có trình độ nhất định và am hiểu về bệnh học tế bào - tôi biết về các hậu quả. Nhưng đồng thời, tôi rất thất vọng về mình và sẽ tìm kiếm bất cứ thứ gì".
Điều này có vẻ bắt đúng tâm trạng của phần lớn các khách hàng mua thuốc giảm cân trên mạng. Càng đặc biệt đáng lo ngại khi một báo cáo mới đây cho thấy số thiếu nữ có trục trặc về cảm xúc và hình dung về cơ thể mình đang nhiều hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, vẫn có giải pháp lý tưởng để giảm cân, đó là làm theo những hướng dẫn chính thức để giảm cân từ từ - tốt nhất là khoảng 0,5 - 1kg/tuần - thông qua chế độ ăn cân đối và tập luyện đều đặn.
“Ai cũng muốn có một giải pháp thật nhanh chóng và dễ dàng,” Subodh Gupta, người sáng lập Chiến dịch chống béo phì Anh nói. “Nhưng cách duy nhất để giảm cân là chế độ ăn cân đối và tập luyện vừa phải. Đó mới là thứ sẽ thực sự có tác dụng lâu dài.”
Nguồn Dantri.com.vn - Theo Telegraph
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét