“Avengers: Age Of Ultron” thực sự gây ấn tượng cho khán giả bởi cốt truyện dễ nuốt và những pha hành động đỉnh cao nhưng cũng mắc phải một vài hạt sạn nhỏ.
Vào năm 2012 chúng ta được thưởng thức 1 siêu phẩm điện ảnh giải trí , bom tấn The Avengers đã làm nức lòng toàn bộ khán giả trên thế giới bằng cách tập hợp những siêu anh hùng hoàn toàn khác nhau lại, cộng với một kẻ phản diện đầy ấn tượng và biến mớ hỗn độn ấy trở thành một siêu phẩm cực kỳ đỉnh cao. Ngay cả những ai chưa bao giờ từng đọc một cuốn truyện tranh của hãng Marvel cũng phải phát cuồng vì The Avengers. Tuy nhiên, phần thưởng to lớn mà đạo diễn Joss Whedon nhận được lại là một loạt những nhiệm vụ khó khăn hơn theo cấp số nhân. Nếu như bộ phim Avengers đầu tiên đã giới thiệu cho chúng ta về một “Vũ trụ điện ảnh Marvel” rộng lớn thì phần 2 sẽ minh họa cho chúng ta làm thế nào mà cái thế giới này có thể tồn tại được với đầy những siêu anh hùng và kẻ phản diện trong đó. Nhìn chung, tuy Avengers: Age Of Ultron là một bom tấn đỉnh cao và xứng đáng với túi tiền nhưng có thể bạn sẽ cảm thấy không được thỏa mãn phần nào đó.
Do đã được xây dựng rất đầy đủ với hơn 10 phim Marvel trước đó nên đạo diễn Whedon có thể thoải mái bỏ bớt đi những chi tiết buồn tẻ và lặp đi lặp lại để giới thiệu về các thành viên trong nhóm. Thay vào đó, Avengers: Age Of Ultron đã mở màn bằng hàng loạt cảnh quay hành động cực kỳ gay cấn và đẹp mắt. Đội hình Avengers đa diện bao gồm Iron Man, Captain America, Thor, Hulk, Black Widow và Hawkeye cùng tổng tấn công vào lâu đài của Baron Strucker, trụ sở Hydra cuối cùng. Nguyên nhân chính là do Strucker đang giữ cây quyền trượng của Loki, thứ mà mang trên nó một viên ngọc vô cùng đáng sợ.
Tony Stark nhận ra rằng trí thông minh trên viên ngọc này có thể cung cấp cho anh ta một hệ điều hành cho binh đoàn robot Iron Men, qua đó sử dụng binh đoàn này để bảo vệ an toàn cho Trái Đất từ những hiểm họa bên ngoài.
Đạo diễn Joss Whedon thực sự đã làm rất tốt công việc kết hợp giữa cốt truyện ly kỳ, tâm lý nhân vật ấn tượng và nhất là những pha hành động đỉnh cao trong phim. Tony Stark (Robert Downey Jr.) phải đối mặt và trả giá cho sự ngạo mạn của mình. Bruce Banner (Mark Ruffalo) bị ám ảnh bởi nhân cách thứ hai là Hulk. Black Widow (Scarlett Johansson) thì luôn cố gắng vượt qua quá khứ tàn nhẫn của cô ấy. Thậm chí, nhân vật không để lại nhiều ấn tượng trong phần đầu tiên là Hawkeye (Jeremy Renner) mới thực sự là ngôi sao trong Age Of Ultron.
Với dàn diễn viên rộng lớn cũng như những cảnh quay hành động dồn dập và rất nhiều các vai diễn khách mời từ các phim trước đó, có thể nói rằng mức độ hoành tráng Avengers: Age Of Ultron đã tăng lên gấp đôi so với phần đầu tiên. Tuy nhiên, đôi lúc bạn có thể sẽ cảm thấy ngộp thở bởi những chi tiết thừa thãi và có phần khó hiểu xoay quanh các nhân vật trong phim, đặc biệt là Thor. Tuy nhiên, đây cũng chính là những chi tiết được cho vào để làm tiền đề cho những bộ phim tiếp theo của “Vũ trụ Điện ảnh Marvel”.
Không đen tối quá mức cần thiết như Man Of Steel, Avengers: Age Of Ultron sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn khi đạo diễn Whedon đã đưa vào những khoảnh khắc hài hước và vui nhộn giống như đặc trưng của các phim Marvel trước đó. Ví dụ như Tony Stark, một siêu anh hùng vui tính nhưng cũng tự mãn quá mức. Hay Thor dũng mãnh nhưng có lúc giật mình vì một trong số thành viên của Avengers suýt nữa đã nhấc được chiếc búa thần thánh mà chỉ có anh mới sử dụng được.Chắc chắn rằng, cho dù là một bộ phim bom tấn hoành tráng như Avengers: Age Of Ultron thì nó cũng không thể tránh khỏi những lỗi nhỏ vụn vặt. Một số bước ngoặt của giai đoạn chính không thực sự hài hòa và chưa được thiết lập đủ. Captain America và Thor gần như không có gì để làm. Chủ đề và ý tưởng của phim cũng không quá mới mẻ và bị lạm dụng. Đơn cử như sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo được ra đời nhờ ý nghĩ gìn giữ hòa bình của Iron Man, kịch bản này gần như đã quá quen thuộc với khán giả đại chúng.
Đáng tiếc nhất là Ultron, kẻ phản diện chính của phim, đã bị lù mờ bởi khá nhiều những kẻ phản diện khác. Nhân vật Ulysses Klaw của Andy Serkis gần như đã chiếm lấy sự chú ý của khán giả khi hắn toát lên một sự nguy hiểm mà không cần phải sử dụng đến hiệu ứng như Ultron. Đây là một lỗi lớn mà nhiều bộ phim siêu anh hùng thường mắc phải khi chúng không tạo được sự ấn tượng của kẻ phản diện chính, dĩ nhiên là ngoại trừ Loki. Về cơ bản, Age Of Ultron giống như một chiếc túi hỗn độn. Vai trò của tổ chức khủng bố Hydra gần như chỉ để gây hài hước và cũng như phần đầu tiên, bộ phim cũng tràn ngập những tên lính lác tay sai tiểu tốt với nhiệm vụ đơn giản là ăn đòn của các siêu anh hùng.
Andy Serkis
Hai nhân mới thực sự đã gây được sự thích thú cho khán giả. Aaron Taylor-Johnson trong vai Quicksilver, một chiến binh siêu tốc độ và có phần tự mãn, trang phục đi kèm của anh ta là những bộ đồ thể thao khá thời trang của Adidas. Thậm chí, nhân vật này còn có phần thú vị hơn phiên bản Quicksilver trong X-Men: Days Of Future Past, mặc dù tốc độ của phiên bản Avengers có phần chậm hơn. Nhân vật Scarlet Witch của Elizabeth Olsen thì có tính cách và tạo hình khá ma quái với một quyền năng vô cùng mạnh mẽ nhưng cũng mơ hồ.
Trong vai kẻ phản diện chính, tài tử James Spader đã thổi hồn vào cho Ultron một tính cách khá lôi cuốn và gợi cảm, gợi lại cho chúng ta một Joker đầy hỗn loạn và không thể đoán trước được. Ánh mắt của Ultron khá đáng sợ, tuy nhiên đây cũng chỉ là tạo hình từ hiệu ứng kỹ thuật số.
Một trong những gánh nặng của nhà làm phim là phải làm cho bộ phim trở nên thực tế, hay ít nhất thì nó cũng có ý nghĩa nhất quán chân thực. Cho đến hiện tại, các nhân tố chính trong phim đều có một sự hợp lý riêng của họ: một gã nhà giàu với những bộ giáp siêu mạnh mẽ, một sát thủ Nga, một siêu chiến binh từ thí nghiệm. Tất cả đều cho khán giả cảm thấy sự chân thực, mặc dù tạo hình gốc của họ trong truyện tranh khá màu mè. Như Vision, anh là một robot có cơ thể màu hồng pha lẫn xanh lá và chiếc áo choàng màu vàng khá bắt mắt, rõ ràng đây là một bước đột phá lớn từ truyện tranh.
Nhìn chung, chỉ với một vài khuyết điểm nhỏ được liệt kê ở trên thì không đủ để kéo bộ phim xuống. Đây chắc chắn sẽ là một bom tấn giải trí xứng đáng với túi tiền của bạn, cho dù bạn là một người xem bình thường hay là một fan cuồng Marvel đi chăng nữa. Avengers: Age Of Ultron là một bộ phim đỉnh cao của Marvel với sự hòa trộn giữa hài hước và thú vị, ồn ào và đầy màu sác, đôi khi cũng sáng suốt và thông minh. Những pha hành động của phim được trau chút kỹ xảo khá đẹp mắt và gần như muốn nổ tung vào mặt bạn, nhưng đồng thời nó cũng không gây ra cảm giác dồn dập đến đau đầu như các bộ phim phá hoại Transformers hay Man Of Steel. Đây thực sự là điểm sáng giá nhất của phim.
Avengers: Age Of Ultron khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 24/4 ở tất cả các định dạng – 2D, 3D và IMAX 3D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét