Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Gặp "con ruồi trong chai nước", bạn nên làm gì?

Tuần qua, dư luận cả nước xôn xao vụ việc “con ruồi giá 500 triệu” và người "bán" con ruồi đó đang bị cơ quan công an tạm giam để phục vụ điều tra. Nếu gặp tình huống tương tự thì bạn nên xử lý thế nào?

Ngày 3/12/2014, anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ở xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) phát hiện con ruồi trong chai nước Number One của Công ty Tân Hiệp Phát ở Bình Dương khi bán cho khách.

Anh Minh đã giữ lại chai nước rồi gọi điện Công ty Tân Hiệp Phát ở Bình Dương yêu cầu cử đại diện xuống miền Tây thương lượng. Lúc đầu, anh Minh ra giá 1 tỷ đồng đổi lấy sự im lặng, nếu không sẽ cung cấp thông tin cho báo chí, in 5.000 tờ rơi phát tán việc này.

Sau 3 lần cử đại diện thương lượng, doanh nghiệp này chốt giá theo biên bản là 500 triệu đồng và được anh Minh đồng ý.

Chiều 27/1, anh Minh chọn điểm giao dịch tại quán cà phê và khi làm thủ tục nhận tiền thì bị bắt quả tang. Cơ quan chức năng hiện đã bắt anh Minh về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.


Phải hiểu luật trước khi khiếu nại

Việc chai nước ngọt Number One được đóng gói có con ruồi từ trước hay do anh Minh hoặc người khác ngụy tạo, anh Minh sẽ bị xử lý theo hình thức nào thì vẫn đang còn chờ điều tra. Tuy nhiên, từ vụ việc này đặt ra câu hỏi nếu một trong chúng ta gặp tình huống tương tự, phải làm gì?

Trả lời trên báo Tuổi trẻ ngày 7/2, bà Phan Thị Việt Thu - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - đưa ra 2 tình huống.

Nếu Công ty Tân Hiệp Phát đến gặp khách hàng và đồng ý bồi thường cho khách hàng như đã thỏa thuận, sau đó lại báo công an thì công ty này chưa thể hiện hết trách nhiệm và tình cảm với người tiêu dùng.

"Ngược lại, nếu Tân Hiệp Phát đã đến xin lỗi, thể hiện sự thiện chí nhưng khách hàng kiên quyết không thỏa thuận mà còn đe dọa, trong trường hợp này, theo tôi, Tân Hiệp Phát có quyền nhờ đến sự can thiệp của pháp luật”, bà Thu nhận định.

Cũng theo bà Thu, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM đã tiếp nhận rất nhiều vụ việc khách hàng phàn nàn về chất lượng các mặt hàng nước giải khát.

“Người tiêu dùng khi đi khiếu nại thường có tâm lý là nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại cho họ. Chúng tôi thường giải thích cho khách hàng rằng muốn được bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được sự thiệt hại của mình theo quy định của pháp luật”, bà Thu nói.

“Thông thường, người tiêu dùng nghĩ mình phải được bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần và đôi khi đưa ra những cái giá bồi thường không hợp lý”, bà Thu chia sẻ.

Đa só ý kiến cho rằng, nếu phát hiện trường hợp mất vệ sinh như vụ việc nêu trên người phát hiện nên trao đổi thông thường với cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, việc đe dọa, khống chế, uy hiếp tinh thần để yêu cầu số tiền lớn thì không nên làm.

Khi hàng hóa có vấn đề, không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đơn vị sản xuất bồi thường và báo cáo sự việc với Sở Công thương thuộc địa bàn quản lý để đơn vị này xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn : giadinh.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét