Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Bí quyết giữ hoa đào tươi lâu đón Tết

Sau những ngày nắng ấm, nhiều người lo ngại hoa đào xứ Bắc sẽ "sớm nở, chóng tàn" nhưng với những kinh nghiệm được chia sẻ từ những nghệ nhân và người chơi đào sành sỏi, vẫn có những bí kíp giúp đào tươi lâu đón Tết.

Cân nhắc khi lựa chọn

Mỗi năm, thời tiết những ngày giáp Tết đều có sự biến đổi nhất định. Có năm rét buốt nhưng có năm lại nhiều nắng, hoặc nhiều mưa. Vì vậy, để có cành đào hay cây đào ưng ý khâu đầu tiên là cần cân nhắc kĩ lưỡng, lựa chọn những cành, cây tươi khỏe.


Cành đào đẹp cần có đủ nụ, hoa, chồi lộc

Một cành đào hoặc cây đào đẹp, ngoài dáng thì cần có đủ hoa, nụ chớm nở, nụ non và chồi lộc. Nếu là cây thì khi đánh cây khỏi vườn cần tránh làm đứt rễ cây, vỡ bầu. Khi vận chuyển cần tránh va đập, gẫy cành lá, nụ hoa.

Cẩn thận khi đốt cành, hãm nhựa

Bàn về thú chơi hoa đào, người xưa đã truyền cho nhau kinh nghiệm quen thuộc là đốt cành, hãm nhựa. Theo đó, sau khi mua cành đào về, phải đốt gốc, đốt cành hay nhúng ngay vào chậu nước nóng già 70-80 độ C để hãm nhựa của cành đào không chảy và các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa trong cành không thẩm thấu được ra ngoài…


Một người bán hàng đang đốt gốc đào

Tuy nhiên, cách làm này vẫn đang gây tranh cãi. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho là phản khoa học vì hãm nhựa đồng nghĩa với việc chặn con đường cung cấp dinh dưỡng cho hoa. Theo TS Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoa và cây cảnh - Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư, nếu áp dụng biện pháp đốt cành, hãm nhựa thì chỉ nên thao tác vừa phải bởi nếu đốt quá lâu, quá nhiều sẽ gây tổn thương mạch, tắc mạch, sẽ lại làm cành đào chóng tàn.

Dao sắc, vôi

Nhiều nghệ nhân cho biết, khi mua đào về, chúng ta hoàn toàn có thể tự điều chỉnh đào nở nhanh hay chậm tùy theo ý thích và thời tiết chỉ với những đồ dùng đơn giản như dao sắc, vôi tôi…


Các nghệ nhân, thợ trồng đào rất thạo cách "hãm" hoa chờ Tết

Nếu cành đào hoặc cây đào trong nhà nở quá nhanh, ta có thể dùng dao sắc cứa một vòng quanh thân, cách gốc cành đào 1 gang tay để hạn chế chất dinh dưỡng lên thân nuôi hoa và bôi vôi để tránh thối rữa, chảy nhựa.

Thay nước, tránh gió

Một cách khác thường được người dân sử dụng là "hạ nhiệt" bằng cách cho sỏi vào trong bình giữ lạnh, hoặc rải sỏi quanh gốc đào sẽ nở chậm. Để đào được tươi lâu, các nghệ nhân đưa ra lời khuyên nên thay nước khoảng 2-3 ngày/lần. Bên cạnh đó, cần đặt cây đào, cành đào trong nhà ở vị trí khuất gió để giữ ấm.


Hoa đào nên đặt nơi khuất gió

Trong rất nhiều bí quyết công phu để giữ đào tươi lâu thì việc rửa sạch lọ cắm cành đào và dùng nước sạch cung cấp cho hoa là yếu tố không kém phần quan trọng. Nhiều nghệ nhân cho rằng, đây chính là bí quyết quan trọng nhất để có cành hoa đào luôn rực rỡ và tươi lâu. Riêng đối với đào cây trồng chậu thì nên tưới thường xuyên bằng nước sạch nhưng không cần ẩm ướt quá, đào ưa khô nên nếu tưới nhiều gốc đào sẽ úng và thối rễ, cây nhanh hỏng.

Bổ sung chất dinh dưỡng

Theo lời khuyên từ các nhà nghiên cứu cây trồng, người chơi đào có thể thả vào lọ hoa vài viên B1 để bổ sung thêm dinh dưỡng nuôi hoa.


Chất dinh dưỡng giúp hoa tươi khỏe

Thuốc dùng cho hoa có thể tận dụng loại dành cho người uống hoặc mua loại B1 chống sốc cho cây có đủ dinh dưỡng hơn. Kali cũng là thành phần bổ sung giúp cung cấp thêm dưỡng chất cho cành đào tươi khỏe.

Thùy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét