Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

4 cách dạy con độc đáo của các nhà lãnh đạo thế giới

Với vô vàn công việc của nhà lãnh đạo đất nước, họ vẫn dành thời gian để giáo dục con cái mình, mong con mình sẽ trở thành những người thực sự có ích cho xã hội.


Chiến lược tự lập và “con nào cha nấy"

Với mong muốn 2 cô con gái - Malia và Sasha có một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác, vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn dành thời gian để dạy dỗ cũng như hướng dẫn 2 con gái những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Đặc biệt, ông Obama còn áp dụng rất thành công chiến lược “con nào cha nấy” để các con nghe lời một cách tự nguyện.


Gia đình hạnh phúc của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Wikimedia 

Dù sống trong tòa nhà có rất nhiều người phục vụ nhưng Malia và Sasha vẫn phải tự dọn phòng. Malia cũng phải tự giặt là và chăm sóc chú chó cưng Bo của gia đình. “Chúng tôi có những cuộc thảo luận thực sự về sống có trách nhiệm. Không thể cứ ỷ lại vào người khác khi bạn hoàn toàn có thể làm được. Chúng không ở mãi trong Nhà Trắng, chúng còn đi học đại học”. Vợ chồng Tổng thống Mỹ cho biết về phương pháp dạy con của mình.
Tổng thống Obama cũng cho cô con gái lớn Malia của mình học lái xe để cô bé tự lập hơn, không chỉ nhờ lực lượng đặc vụ Mỹ đưa đón.


Vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn dành thời gian để dạy dỗ cũng như hướng dẫn 2 con gái những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.

Trong việc giải trí, 2 con gái cưng của ông chủ Nhà Trắng cũng phải tuân thủ những quy tắc nhất định. Cả hai không được xem ti vi vào những ngày thường trong tuần và Malia thì chỉ có thể sử dụng điện thoại di động vào ngày nghỉ. Việc sử dụng máy tính chỉ hỗ trợ làm bài tập ở nhà và rất hạn chế. Ông Obama cũng nhất quyết không cho các con gái dùng Facebook cho đến khi họ đủ 18 tuổi vì muốn bảo vệ sự riêng tư cho Malia và Sasha. Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama nói rằng bà đã có những cuộc trao đổi nghiêm túc với các con về mặt trái của internet cũng như các phương tiện truyền thông xã hội và cả hai cô con gái đồng tình với ý kiến của bố mẹ về việc không sử dụng trang thông tin cá nhân này.


Đôi lúc, tổng thống Obama cũng sáng tạo những phương pháp giáo dục riêng như áp dụng chiến lược “con nào cha nấy” khi muốn ngăn hai cô con gái đòi xăm mình

“Chúng tôi nói với hai con gái rằng, nếu các con quyết định xăm mình thì bố mẹ sẽ xăm giống y hệt như các con, từ mẫu hình xăm và đến vị trí xăm trên cơ thể. Và bố mẹ sẽ quay video khoe hình xăm của cả gia đình để đăng lên trang Youtube”. Phương pháp này đã khiến hai cô con gái cưng của họ nghĩ lại yêu cầu trên.

Bên cạnh đó, tổng thống Barack Obama cũng mong muốn hai công chúa của mình có thể tự kiếm tiền bằng nghề trông trẻ. Đây chính là cách để hai cô bé biết được các khoản tiết kiệm, tiền lãi và cách quản lý tiền, để cuộc sống của Milia và Sasha sau này trở nên dễ dàng hơn.

Để con được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn

Nhà lãnh đạo quốc gia tối cao của Trung Quốc - Tập Cận Bình và Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện kết hôn năm 1987 và có một cô con gái tên là Tập Minh Trạch.


Nhà lãnh đạo quốc gia tối cao của Trung Quốc - Tập Cận Bình và Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện

Năm 2008, vợ chồng ông Tập đã đồng ý để cô con gái rượu của mình khi ấy mới 16 tuổi tới thăm hỏi và tham ra công tác tình nguyện tại trường tiểu học Dongqi, huyện Hanwang, tỉnh Tứ Xuyên sau trận động đất; bởi tin rằng con mình sẽ học được nhiều điều có ích, trải nghiệm về cuộc sống tốt hơn.

Vì là những người hết sức bận rộn, không có nhiều thời gian chăm sóc con nên họ đã hứa với nhau rằng sẽ cố gắng chiều con hết mức và khi ở nhà, cô bé thường ngủ với mẹ, tâm sự cùng mẹ.


Bức ảnh ông Tập Cận Bình đèo con gái cưng Tập Minh Trạch trên xe đẹp

Từng muốn con gái nối nghiệp mình – là một nghệ sĩ hát dân ca hàng đầu Trung Quốc nhưng bà Bành cho biết con gái mình học giỏi và muốn khuyến khích con học, để con mình toàn quyền quyết định về nghề nghiệp trong tương lai.

Có cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ

Nhiều thập kỷ qua, những Công chúa và Hoàng tử của Nhật Bản đều được hưởng đặc ân về giáo dục tại ngôi trường danh giá dành riêng cho Hoàng gia.

Tuy nhiên, hoàng tử Akishino - bố của Hoàng tử bé Hisahito – người sẽ kế nhiệm ngai vàng xứ sở mặt trời mọc đã có một phương pháp giáo dục con mình rất đặc biệt, thậm chí đi ngược lại với truyền thống của Hoàng gia nước này.


Hoàng tử bé Hisahito

Hoàng tử bé Hisahito được gửi vào một trường tiểu học bình dân với chế độ học tập và sinh hoạt bình thường như các học sinh khác. Hoàng tử và công chúa Akishino tin rằng để trở thành biểu tượng của nhà nước trong tương lai, Hoàng tử bé phải có những trải nghiệm quý báu khi được học tập với những đứa trẻ có nguồn gốc khác nhau và hiểu được cảm xúc của những người dân thường.


Hoàng tử bé Hisahito sẽ là biểu tượng của cả Nhà nước và sự thống nhất của người dân Nhật Bản.

Họ cũng đưa Hoàng tử bé Hisahito tới thăm lăng mộ của Hoàng đế Jinmu – hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, lăng mộ Hoàng đế Showa, Hoàng hậu Kojun, đài tưởng niệm Ise Grand Shrines; thường xuyên tới thăm ông bà nội để Hoàng tử luôn nhớ đến cội nguồn, dân tộc cũng như xứ mệnh của mình.

Để con biết quý trọng sức khỏe

Là người thừa kế thứ hai trong Hoàng gia Tây Ban Nha sau cha là Hoàng tử Filipe, Công chúa Leonor sẽ trở thành Nữ hoàng trong tương lai.

Ngoài việc phải rèn luyện các chuẩn mực và nghi thức Hoàng gia như cách đi đứng, tư thế giao tiếp sang trọng trong các lớp học về ngôn ngữ hay múa thì thể thao luôn là ưu tiên số 1 của vợ chồng Hoàng tử Filipe trong quá trình nuôi dạy Leonor.


Leonor và em gái Sofia dắt tay nhau đi học

Môn thể thao yêu thích của Leonor là trượt tuyết. Từ khi còn nhỏ, cả Leonor và em gái Sofia đã cùng bố mẹ vi vu trên những con đường trượt tuyết ở các ngọn núi của Tây Ban Nha. Tập thể thao là một cách giúp các công chúa rèn luyện và bảo vệ sức khỏe để có thể chịu được sức ép từ những công việc của Hoàng gia cũng như tận hưởng cuộc sống của riêng mình.


Cặp vợ chồng Hoàng gia cũng nhắc nhở và dạy dỗ con gái mình các bài học về thế giới tự nhiên xung quanh để các cô bé hiểu được ý nghĩa của việc phải thân thiện và bảo vệ môi trường.

Lan Dương( giadinh.net.vn) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét